Tin Giáo dục

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày đăng: 06.02.2017   -   Lượt xem: 2240

Trong không khí những ngày đầu năm mới Đinh Dậu, chiều 4/2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới thăm và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp đón và làm việc với Chủ tịch nước có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ, một số thành tích đạt được của ngành Giáo dục trong năm qua và phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2017. Trong đó sẽ tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản được đặt ra cho năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của ngành trong thời gian qua, Chủ tịch nước nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đây là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, ngành Giáo dục đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và đạt được những thành tựu quan trọng.

Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần tích cực vào phát triển giáo dục và đào tạo của toàn xã hội. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến quan trọng. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục. Cùng với đó, Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng đã được ban hành với cấu trúc thành 08 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội. 08 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều giành được Huy chương Vàng. Việt Nam đã tổ chức thành công Kỳ thi Olympic quốc tế Sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 học sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng Bộ Giáo dục và Đào tạo bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trích lời của Anh hùng giải phóng dân tộc Nam Phi Nelson Mandela “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”, Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo trong ngành Giáo dục và toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng thịnh của dân tộc, đem lại lợi ích cho mọi người, các tầng lớp nhân dân; các cấp, các ngành phải làm hết sức mình vì sự nghiệp giáo dục. Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường. Cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động nhằm hướng các hoạt động hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trước thực trạng lối sống, đạo đức xuống cấp của một bộ phận giới trẻ hiện nay, Chủ tịch nước lưu ý ngành Giáo dục cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Phát huy truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn”, đồng thời, với việc giáo dục nâng cao tri thức, cần tập trung giáo dục nhân cách, giáo dục thể chất. Đổi mới việc giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống, kiến thức, kỹ năng, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức trách nhiệm công dân đối với cộng đồng, xã hội, tác phong ứng xử đối với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi.

Chủ tịch nước cũng dành sự quan tâm cho việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.

“Chú trọng đổi mới cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; hỗ trợ liên kết hợp tác giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và doanh nghiệp để cung cấp môi trường thực hành giúp người học tiếp cận các xu thế phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp; nghiên cứu các mô hình đào tạo mới gắn với việc đổi mới và cấu trúc lại chương trình đào tạo trong một số ngành và lĩnh vực để có được đội ngũ “kỹ sư toàn cầu” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cắt băng khánh thành
Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam

Đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, Chủ tịch nước đặt ra yêu cầu, phải đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng người thầy chẳng những phải cung cấp tri thức, phát triển năng lực nhận thức, mở mang trí tuệ, mà còn phải bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho người học, tức là giáo dục toàn diện.

Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước. Triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu. Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu, các trường đại học mang tầm khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực. Quan tâm đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các đối tượng chính sách... cũng là những lưu ý mà Chủ tịch nước dành cho ngành Giáo dục trong thời gian tới.

Xác định giáo dục là sự nghiệp lâu dài và to lớn, không chỉ ngành Giáo dục có thể làm được, Chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chung tay chăm lo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục để đất nước ta sớm sánh vai với các cường quốc năm châu, như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với mong muốn, toàn ngành Giáo dục sẽ ra sức đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển bền vững.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, đồng thời xin hứa với Chủ tịch nước, trong năm Đinh Dậu 2017, ngành Giáo dục sẽ nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, trước hết là ngay trong cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo để tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.


Chủ tịch nước tham quan Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam

Cũng tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch nước đã tham dự lễ cắt băng khánh thành Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam và khẳng định, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam đi vào hoạt động những ngày đầu xuân mới này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những hình ảnh, hiện vật được giới thiệu tại phòng truyền thống cho thấy rõ nét truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Đây sẽ là địa chỉ giáo dục truyền thống và nhân lên hơn nữa niềm tự hào của ngành, để thế hệ hôm nay tiếp bước thế hệ đi trước thực hiện thắng lợi sự nghiệp giáo dục, góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững, sánh vai với thế giới.

Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam được đặt tại cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phòng được cấu trúc thành 2 phần.

Phần A: Lược sử bao gồm: Nho học; Giáo dục thời thuộc Pháp 1958 - 1945; Giáo dục Việt Nam từ 1945 - 1975; Giáo dục Việt Nam 1976 - nay.

Phần B: Chuyên đề bao gồm: Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ; Những tập thể và cá nhân tiêu biểu; Những cuộc cải cách giáo dục; Hội nhập quốc tế về Giáo dục và Đào tạo qua các giai đoạn; Vai trò của Giáo dục Việt Nam trong các tổ chức quốc tế; Hướng tới tương lai.

Trung tâm Truyền thông giáo dục

Tin khác

1 2 3

Bản quyền thuộc về Dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất - Giai đoạn 2