Tổ chức thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS

Ngày đăng: 22.08.2019   -   Lượt xem: 1726

Năng lực giải quyết vấn đề là một trong những năng lực quan trọng của con người mà nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đang hướng tới. Hiện nay ở Việt Nam, việc học vẫn chú trọng đến rèn luyện kĩ năng, luyện tập theo cái có sẵn, cho nên HS (HS) không được rèn luyện năng lực này từ sớm.

Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tự học, tự khám phá và tư duy của trẻ. Vì vậy, tập dượt cho HS biết phát hiện, đặt ra và giải quyết những vấn đề gặp phải trong học tập, trong cuộc sống của cá nhân, gia đình và cộng đồng không chỉ có ý nghĩa ở khía cạnh phương pháp dạy học mà phải được đặt ra như một mục tiêu quan trọng của giáo dục và đào tạo.

Thực tế cho thấy, trong hoạt động dạy học, các nội dung và phương pháp dạy học mà giáo viên sử dụng chưa thực sự tập trung vào yêu cầu tổ chức cho HS hoạt động, chưa làm cho HS trở thành chủ thể hoạt động, do đó HS thường chỉ chủ yếu chú ý tới việc tiếp thu và tái hiện lại kiến thức giáo viên dạy trên lớp hoặc kiến thức có trong sách giáo khoa, giáo viên chưa quan tâm nhiều đến việc rèn luyện cho HS năng lực giải quyết vấn đề khi đứng trước một nhiệm vụ hay một tình huống mới. Với yêu cầu dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, tinh thần hợp tác cho HS phù hợp với đặc điểm từng lớp học, môn học; việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm rèn luyện cho HS kỹ năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những tình huống khác nhau trong học tập và thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS.

Theo đó, biện pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS thực sự có vai trò quan trọng nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và phát triển toàn diện HS.

Thực tiễn cho thấy, kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học là cách để nhà trường rà soát lại các kế hoạch, nắm được những thuận lợi, khó khăn, trở ngại trong quá trình giáo viên thực hiện hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS để có sự hỗ trợ cần thiết và điều chỉnh kịp thời. Về việc này, chúng tôi đề xuất có thể tiến hành theo các nội dung và với các cách thức như sau:

- Kiểm tra việc thiết kế và tổ chức bài học theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS trong chủ đề dạy học, việc lựa chọn phương pháp, kỹ thuật và hình thức dạy học tích cực.

- Kiểm tra việc đánh giá kết quả học tập của HS bao gồm việc thực hiện quan điểm, triết lý đánh giá, việc kết hợp các phương pháp và hình thức kiểm tra đánh giá, việc ra đề kiểm tra theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS, việc chấm chữa bài và phản hồi tới HS.

- Kiểm tra việc thực hiện nền nếp, chấp hành các nội quy, quy định của nhà trường; chuẩn bị bài giảng, giáo án; sử dụng các thiết bị dạy học; tham gia sinh hoạt chuyên môn; xây dựng các chuyên đề; công tác tự bồi dưỡng và kiểm tra sự phối hợp với các tổ chức đoàn thể… trong quá trình dạy học theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS.

- Kiểm tra hoạt động của tổ chuyên môn theo từng tuần, tháng, học kỳ và năm học. Cần lưu ý kế hoạch dạy học theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS, sinh hoạt tổ chuyên môn theo nghiên cứu bài học; sinh hoạt chuyên đề gắn với dạy học phát triển năng lực; việc bồi dưỡng giáo viên của tổ.

- Kiểm tra, dự giờ theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất tất cả các hoạt động giảng dạy của GV. Đặc biệt, tập trung vào kiểm tra việc chuẩn bị cho các giờ dạy theo định hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS.

- Thực hiện đa dạng các hình thức kiểm tra hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS như: kiểm tra trực tiếp hoạt động giảng dạy của giáo viên trên lớp, xem hồ sơ kiểm tra giáo viên của tổ chuyên môn, trao đổi trực tiếp với HS và phụ huynh,… Hồ sơ phải được lưu giữ cẩn thận, làm cơ sở minh chứng, đối chiếu, đánh giá cho những lần kiểm tra sau, qua đó đánh giá quá trình hoạt động của giáo viên.

- Kiểm tra hoạt động, nền nếp sinh hoạt của tổ chuyên môn theo định kỳ và đột xuất nhằm nắm bắt và điều chỉnh kịp thời các nội dung chỉ đạo hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS.

- Thông báo công khai các kết quả đánh giá, xếp loại sau mỗi đợt kiểm tra. Đây cũng căn cứ để bình xét thi đua và phân loại giáo viên cuối năm học.

- Tăng cường công tác chỉ đạo và kiểm tra, đặc biệt là khâu kiểm tra đột xuất hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS. Động viên khen thưởng kịp thời những giáo viên tích cực, đạt kết quả tốt trong đổi mới phương pháp dạy học, vận dụng các kỹ thuật dạy học tích cực, nghiêm túc nhắc nhở, phê bình những giáo viên chưa thực hiện tốt, đưa vào tiêu chí thi đua, xếp loại giáo viên.

Mục đích của kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS là chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ để thực hiện tốt công việc, tránh tình trạng giáo viên có những việc làm để đối phó với kiểm tra, đánh giá của nhà trường. Do đó, việc tiến hành sơ, tổng kết sau kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho HS để giáo viên thấy được ưu, nhược điểm, từ đó điều chỉnh kịp thời. Việc kiểm tra, đánh giá cần tập trung vào việc phát hiện những khó khăn của giáo viên để có cách hỗ trợ cần thiết.

Muốn thực hiện được các hoạt động trên, trước hết cần có sự tiên phong đổi mới tư duy của cán bộ quản lí. Đồng thời, cán bộ và giáo viên cần hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc kiểm tra, đánh là nhằm hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ để cùng thực hiện tốt hơn công việc chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường theo mục tiêu đề ra. Hơn nữa, kiểm tra thực chất, cụ thể, có hiệu quả, tránh tư tưởng đối phó với việc kiểm tra, đánh giá. Mặt khác, cũng không nên gây căng thẳng, tạo áp lực giữa người kiểm tra và người được kiểm tra.

Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là một cách tích cực để rèn luyện cho HS năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề. Chính vì vậy, từ nhận thức đúng đắn về mục tiêu, đến quán triệt và triển khai đòi hỏi trước hết ở quyết tâm của từng giáo viên và sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp cán bộ quản lí giáo dục.

Bùi Quang Quyền

(Trường THPT Trường Chinh - Ninh Thuận)

Tin khác

Bản quyền thuộc về Dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất - Giai đoạn 2